Giấy In Tem Nhãn Mã Vạch Là Gì?
Giấy in tem mã vạch hay còn gọi là Giấy in nhãn, Decal in mã vạch, Decal in tem nhãn, … là loại giấy thông dụng thường được cuộn thành cuộn để in tem nhãn mã vạch. Giấy được cấu tạo gồm một mặt trước là lớp bóng (hoặc nhám) để in thông tin, một mặt sau có lớp keo dính. Giấy có thể được chỉnh theo kích thước tem nhãn mà khách yêu cầu.
Phân Loại Giấy In Tem Nhãn Mã Vạch
Phân Loại Theo Chất Liệu
Decal Giấy là loại decal phổ biến trên thị trường, thường ứng dụng trong môi trường siêu thị, kho bãi, logictis và văn phòng. Là loại vật liệu dễ bị tổn thương trong quá trình sử dụng như bong tróc, rách và nhòe thông tin.
Decal nhựa dẻo (PVC) là loại decal bằng nhựa dẻo, thường được ứng dụng trong môi trường đông lạnh và có độ hao mòn cao. Tuổi thọ loại vật liệu này tương đối cao (tầm 4 đến 5 năm trong môi trường nhiệt độ thường.
Decal xi kim loại là loại decal bằng lát kim loại mỏng có ánh bạc phản chiếu, thường được sử dụng trong môi trường sản xuất hàng hóa và dán lên các bề mặt kim loại hoặc sản phẩm tiêu dùng. Có tuổi thọ cao (tầm 5 đến 7 năm trong môi trường nhiệt độ thường).
Decal remove là loại decal giấy nhưng có chức năng đặc biệt là sau 1 năm sẽ tự động bong keo, giúp người dùng gỡ ra khỏi vật dễ dàng và không dính keo.
Decal bể là loại decal bằng nhựa giòn thường được ứng dụng trong các tem bảo hành, chống hàng giả, hàng nhái.
Phân Loại Theo Công Dụng
Giấy decal cảm nhiệt trực tiếp:
- Là loại giấy decal in tem, nhãn không cần dùng ribbon in mã vạch (còn gọi là ruy bằng hay film in mã vạch).
- Nhãn in chỉ có thể in màu đen, trừ khi trên nhãn (tem) đã được in sẵn màu khác.
- Nhãn có tuổi thọ 1 năm hoặc ít hơn.
- Không chịu được ánh sáng mặt trời hoặc nhiệt (nếu để lâu).
- Nhãn in dễ bị trầy xước khi va chạm và nhanh phai màu.
- Thường được ứng dụng trong tem nhãn cân điện từ, tem nhãn có logo cửa hàng được dán trên sản phẩm, nhãn shipping, thẻ ra vào hội nghị hoặc các nhu cầu ứng dụng ngắn này.
Giấy decal cảm nhiệt gián tiếp:
- Là loại giấy decal yêu cầu kết hợp ribbon in mã vạch để in tem nhãn. Chất lượng tem nhãn tùy thuộc vào loại ribbon in và giấy in.
- Có thể in bằng nhiều màu khác ngoài màu đen.
- Nhãn có tuổi thọ trên 1 năm.
- Chịu được nhiệt hoặc ánh sáng mặt trời.
- Tùy theo chất lượng mực in hoặc loại giấy in tích hợp, khả năng chống trầy xước của nhãn in có thể trung bình, cao hoặc rất bền.
- Được ứng dụng rộng rãi trong hầu hết các lĩnh vực có yêu cầu mã vạch: nhãn trong siêu thị, tồn kho, vận tải, ngoài trời, …
Cách nhận biết
Lấy tem cào nhẹ bằng móng tay. Nếu có vết đen xuất hiện trên nhãn đó là nhãn trực tiếp. Ngược lại, nếu không có vết đen xuất hiện trên nhãn, đó là nhãn gián tiếp. Một số nhãn mặt bóng có thể phải cào mạnh và nhanh tay hơn để có thể hiển thị vết đen.
Phân Loại Theo Kích Thước Tem
Giấy decal in tem nhãn mã vạch bế tem 35 x 22 mm (thường được gọi là tem 3 hàng hay tem siêu thị), khổ chuẩn thường được ứng dụng trong bán hàng tại siêu thị, cửa hàng. Đây là kích thước tem thông dụng vì vừa đủ để thể hiện các thông tin sản phẩm, giá cả trên tem và chi phí thấp (do số lượng tem trên 1 cuộn thường rất nhiều, 1 cuộn 50m có tới 6000 tem, 12000 tem cho 1 cuộn 100m và 18000 tem cho cuộn 150m).
Giấy decal in tem nhãn mã vạch bế tem 100 x 50 mm (có 1 tem trên 1 hàng), thường được ứng dụng trong quản lý hàng hóa trong kho, dán trên thùng carton hoặc bao bì sản phẩm với gần như đầy đủ thông tin sản phẩm. Tiện lợi cho việc quản lý và theo dõi hàng hóa trong các hệ thống kho siêu thị nhà hàng. Số lượng tem trên 1 cuộn như sau: cuộn 50 m có 943 tem, cuộn 100m có 1886 tem, cuộn 150m có 2829 tem.
Giấy decal in tem nhãn mã vạch bế tem 50 x 50 mm hay 2 x 2’’ (có 2 tem trên 1 hàng). Kích thước tem cũng thường được sử dụng cho các sản phẩm bán lẻ, hàng hóa trong siêu thị. Số lượng tem trên 1 cuộn như sau: cuộn 50m có 1880 tem, cuộn 100m có 3770 tem, cuộn 150m có 5640 tem.
Giấy decal in tem nhãn mã vạch bế tem 100 x 100 mm hay 4 x 4’’. Thường được ứng dụng trong tem nhãn bao bì, thùng carton để quản lý hàng hóa trong kho hoặc hàng hóa vận chuyển. Nhu cầu thông tin thể hiện trên tem nhiều. Số lượng tem trên 1 cuộn: cuộn 50m có 485 tem, cuộn 100m có 970 tem, cuộn 150m có 1445 tem.
Giấy decal in tem nhãn mã vạch cây búa dùng để in các nhãn mã vạch trong ngành trang sức do có kích thước nhỏ như nhẫn, vòng đeo tay, dây chuyền, ….
Giấy decal in tem nhãn mã vạch chữ T dùng để in các nhãn mã vạch dùng trong ngành mắt kính.
Trên đây là những loại tem nhãn phổ biến thường được ứng dụng nhiều nhất. Ngoài ra còn nhiều loại kích thước tem khác nhau như 22 x 17mm, 50 x 30mm, 70 x 50 mm, 100 x 150 mm hay 4 x 5”, …. Và nhiều màu sắc khác nhau tùy theo nhu cầu của từng khách hàng.
Cách Nhận Biết Chất Lượng Giấy Decal In Tem Nhãn Mã Vạch
Để phân biệt được thương hiệu giấy, ta sẽ nhìn mặt đế. Decal Fasson có đường lượn sóng và logo “FASSON” chìm dưới mặt đế. Decal Amazon có mặt đế màu xanh.
Giấy decal có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với máy in mã vạch. Vì tiếp xúc trực tiếp tới đầu in nên sẽ gây ảnh hưởng xấu, giảm tuổi thọ đầu in nếu chất lượng giấy không được đảm bảo. Loại giấy tốt nhất cho đầu in là giấy FASSON của hãng Avery.
Đế giấy được chia làm 2 loại: loại đế lac-xin và đế dày.
- Đế lac-xin là loại đế mờ, ánh sáng có thể chiếu qua, giúp mắt cảm biến của máy (sensor) in phân biệt khổ giấy.
- Đế dày là loại đế giấy mà ánh sáng không chiếu qua được, thường được dùng trong chế độ in liên tục (continuous) và in theo điểm (label with mark) với những đốm đen đánh dấu phía dưới đế của con tem.
Kiểm Tra Chất Liệu Của Giấy In Tem Nhãn Mã Vạch
Tem nhãn mã vạch có thể sử dụng nhiều vật liệu khác nhau để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng trong các ứng dụng khác nhau của đời sống. Từ một tem nhãn tạm thời để sử dụng trong vận chuyển hay sản phẩm gia dụng thông thường đến các sản phẩm trong môi trường khắc nghiệt: sử dụng ngoài trời, bề mặt gồ ghề hay thủy hải sản, … Không thể sử dụng mắt thường để có thể nhận biết được các vật liệu làm nên tem nhãn mã vạch, tuy nhiên bạn vẫn có thể dễ dàng kiểm tra chất liệu tem nhãn theo một số cách sau đây:
- Xé tem nhãn mã vạch: Xé tem nhãn có thể dễ dàng kiểm tra xem nó được làm từ giấy hay vật liệu tổng hợp như polypropylence hoặc polyester. Với vật liệu tổng hợp, khi xé rách có thể sẽ bị kéo dài, biến dạng và dai hơn nhiều so với giấy.
- Chà sát bề mặt nhãn: Với thử nghiệm này, bạn sẽ có thể kiểm tra xem tem nhãn được in theo phương pháp nhiệt trực tiếp hay gián tiếp. Bạn có thể làm xước bề mặt nhãn với một cây bút, móng tay, nếu xuất hiện vết đen thì đó chính là giấy in nhiệt trực tiếp. Nếu nhãn không có vết đen khi cọ sát, thì đó chính là giấy in nhiệt gián tiếp, nhãn này có độ bền cao hơn rất nhiều, được sử dụng trong các ứng dụng yêu cầu sự bền bỉ của tem nhãn.
- Thử độ chìm trong nước: Sau khi kiểm tra xem chất liệu tem nhãn và biết được đó là tem nhãn được in trực tiếp hay gián tiếp, phương pháp cuối cùng này giúp bạn có thể kiểm tra xem loại nhựa được sử dụng của nhãn là polypropylene hay polyester. Hai loại chất liệu này có sự khác biệt đáng kể về chi phí và cũng cần xác định để có thể sử dụng băng mực (ribbon) phù hợp. Có thể dễ dàng xác định loại nhựa của tem nhãn bằng cách nhấn chìm nó xuống nước. Polypropylence ít dày đặc hơn polyester và sẽ nổi trong nước, ngược lại polyester sẽ bị chìm.
Những Điều Cần Biết Khi Sử Dụng Giấy In Tem Nhãn Mã Vạch
Có nhiều loại tem nhãn mã vạch để đáp ứng cho từng môi trường sử dụng. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng tem nhãn, không bị lem mờ, biến dạng trong quá trình sử dụng, bạn cần lưu ý những vấn đề sau:
- Nhiệt độ: Thông thường tem nhãn mã vạch sử dụng chất liệu chủ yếu là nhựa dẻo và chất kết dính để dán vào sản phẩm. Chính vì vậy, nhiệt độ là yếu tố tác động nhiều nhất đến chất lượng tem nhãn. Nhiệt độ cao có thể làm mềm và bong tróc tem nhãn hay ảnh hưởng mã vạch. Đối với sản phẩm đông lạnh, nhiệt độ quá thấp cũng khiến lớp keo dính dễ bong tróc.
- Sự mài mòn: Để sử dụng trong các ứng dụng dễ bị trầy xước tem nhãn, cần sử dụng các tem nhãn có độ bền cao như tem nhãn mã vạch kim loại: Polyester, Teflon, Polypropylene, Tedlar, Kapton, Polyamit, …
- Độ ẩm: Trong điều kiện độ ẩm cao như ngành hải sản, tem nhãn được cán 1 lớp film để bảo vệ và sử dụng chất kết dính đặc biệt để có thể chịu được khi ngâm trong nước.
- Sự phản chiếu ánh sáng: Với tem nhãn mã vạch có độ phản sáng cao ảnh hưởng đến việc quét mã vạch. Tem nhãn mã vạch thường được làm mờ để giảm thiểu sự phản chiếu của ánh sáng. Ngoài ra còn có 1 số cách khắc phục khác như sử dụng đèn chiếu sáng hoặc một số loại màu mã vạch có thể giảm được sự phản chiếu ánh sáng.
- Chất dung môi, tẩy rửa: Tem nhãn sẽ bị tác động nặng nề khi tiếp xúc với chất dung môi, tẩy rửa. Cần lưu ý khi sử dụng chất tẩy rửa hoặc dán tem nhãn ở vị trí ít tiếp xúc nhất.
- Dầu mỡ: Khi dán mã vạch trên bề mặt dầu mỡ dẫn đến kém kết dính, chính vì vậy cần làm sạch bề mặt trước khi dán nhãn để đạt được hiệu quả cao.
- Hóa chất: Khi tiếp xúc với một số loại hóa chất, tính kiềm và độ ẩm sẽ tác động có hại trên nhãn. Lamination có thể bảo vệ các nhãn trước các hóa chất nhất định.
- Máy quét mã vạch phù hợp: Máy quét phải luôn phù hợp với mã vạch, chất lượng của tem nhãn mã vạch cũng xác định tính hiệu quả của máy quét. Trước khi mua và đặt tem nhãn trong sản xuất, kinh doanh cũng như bán lẻ, bạn cần cân nhắc kỹ lưỡng để có thể có được tem nhãn mã vạch phù hợp. Cần báo với nhà cung cấp tem nhãn mã vạch về môi trường và sản phẩm cụ thể sử dụng mã vạch.
Mỗi lĩnh vực kinh doanh sẽ cần một loại máy đọc mã vạch tương ứng. Vì vậy lựa chọn máy đọc mã vạch phù hợp với ngành nghề và mục đích sử dụng mới có thể phát huy tối đa chức năng của máy, đồng thời hỗ trợ công việc một cách hiệu quả nhất.
OPTICON sở hữu các dòng máy quét mã vạch có thiết kế phong phú, từ các máy quét hạng nhẹ đến đầu đọc cầm tay, thiết bị đầu cuối hay các máy quét sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất hoạt động với hiệu suất cao và an toàn, đem lại nhiều tiện ích cho người dùng.
OPTICON là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới chuyên sản xuất các máy quét mã vạch chất lượng cao cho thị trường quốc tế. Nhờ có bề dày lịch sử phát triển hơn 40 năm, các loại máy quét mã vạch của OPTICON được tin dùng tại hơn 65 quốc gia thông qua các văn phòng đại diện tại 13 nước.
=====================================================
Để được tư vấn chi tiết về giải pháp toàn diện xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY TNHH OPTICON VIỆT NAM
Lầu 3, số 04 Nguyễn Đình Chiểu, Phường Đakao, Quận 1, TP. HCM
Tel: 028 222 88 262
Mail: sales.vn@opticon.com
Kênh truyền thông